Ứng phó sạt lở

05:06, 16/06/2023

Mới vào đầu mùa mưa, khắp các tỉnh ĐBSCL đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

(VLO) Mới vào đầu mùa mưa, khắp các tỉnh ĐBSCL đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Không chỉ đến hẹn… lại sạt lở, mà theo chính quyền nhiều địa phương, sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường và không còn theo quy luật. Đến nay, tại các tỉnh như Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, An Giang... đều ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng.

Các vụ sạt lở làm xáo trộn đời sống người dân, thiệt hại đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng công trình điện, nước, lưu thông đi lại và sản xuất của bà con trong khu vực.

Theo nhận định của các địa phương, trong những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ lớn, có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.

Tại Vĩnh Long, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông Cái Cao tại ấp Phú An, xã Phú Đức (Long Hồ); khu vực sạt lở bờ sông Long Hồ đoạn qua ấp Long Thuận B, xã Long Phước (Long Hồ); điểm sạt lở ở ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện (Trà Ôn)… ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân và dự báo các khu vực sẽ tiếp tục có nguy cơ sạt lở.

Nhiều khu vực sạt lở trong tỉnh đã được UBND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dòng chảy cộng với phương tiện lớn lưu thông nhiều dẫn đến sạt lở; do thời tiết ngày càng cực đoan hơn (mưa- nắng thất thường làm cho đất khô, sau đó ngậm nước khiến cấu trúc lỏng lẻo dẫn đến dễ sạt lở hơn); tình trạng phù sa từ thượng nguồn đổ về đang thiếu dẫn tới thiếu bùn cát, dòng sông thiếu bùn cát sẽ “ăn” vào bờ...

Theo phân tích của các chuyên gia, cũng có nguyên nhân từ con người như hoạt động xây dựng làm tải lượng lên bờ sông nhiều hơn. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát làm thay đổi địa mạo lòng sông khiến thay đổi dòng chảy, từ đó gây sạt lở…

Người dân có thể theo dõi để chủ động ứng phó, vì một vụ sạt lở thường diễn biến với những dấu hiệu: vết nứt trên nền đất, sủi bọt dưới lòng sông...

Mặt khác, nhà khoa học cho rằng, cần có hệ thống quan trắc ổn định, lâu dài cả ở lòng sông, bờ sông để dự đoán được những việc xảy ra và đưa ra khuyến cáo phù hợp.

YÊN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh