Tự hào nghề báo!

08:06, 22/06/2023

Chọn nghề báo là chọn công việc gắn liền với những chuyến đi. Đi để kịp thời nắm thông tin, phản ánh trên mặt báo và đặc biệt là được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Vui có, buồn có, nhưng đọng lại là những bài học kinh nghiệm được "trui rèn" để người làm báo thêm trưởng thành…

Chọn nghề báo là chọn công việc gắn liền với những chuyến đi. Đi để kịp thời nắm thông tin, phản ánh trên mặt báo và đặc biệt là được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Vui có, buồn có, nhưng đọng lại là những bài học kinh nghiệm được “trui rèn” để người làm báo thêm trưởng thành…

Không bó hẹp ở môi trường làm việc cố định, không lặp đi lặp lại một việc có thể nhàm chán, nghề báo phá vỡ những khuôn khổ ấy. Nhà báo thường không có lịch công tác, mà nếu có chăng là những sự kiện, buổi hội họp được ấn định thời gian, địa điểm phóng viên đến đưa tin. Còn lại, là vô vàn chuyến đi đột xuất, có thể ngay giờ cơm trưa hay lúc nửa đêm đang ngon giấc. Có lẽ, khó có nghề nào nếm trải nhiều cung bậc và đón nhận nhiều thái độ xã hội như nghề báo. Vinh quang có, cay đắng có, người trân trọng, kẻ khinh khi…

Nghề báo- mỗi người theo với cái duyên riêng. Có người chủ động chọn nghề hoặc nghề chọn họ. Song, “tìm đến ngọn nguồn sự thật” là mục tiêu cốt lõi mà người làm báo nào cũng theo đuổi. Đó là cuộc đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ cái mới, chống lại những gì cản trở công cuộc đổi mới và con đường phát triển của đất nước.

Để có những bài báo chất lượng, biết bao nhà báo đã phải dấn thân vào nơi nguy hiểm, trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả bằng máu và sự nguy hiểm đến tính mạng. Nhà báo như “nhiệt kế” để đo những nóng ấm xã hội, với những trăn trở, những phản biện sâu sắc, những thổn thức đồng cảm, những phát hiện chính xác. Cái xấu, cái ác phải được chỉ ra, cái tốt phải được vinh danh. Cán cân lương tâm luôn được kiểm nghiệm và thanh lọc để đối trọng lại với những gì còn ẩn khuất sau bóng tối…

Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí luôn đóng góp tích cực trên mặt trận thông tin tuyên truyền, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, giúp các cơ quan, ban, ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách.

Thực tế cũng cho thấy, trong chiến tranh, trong thời bình hay hội nhập, giá trị bất biến của báo chí vẫn là góp tiếng nói cùng người dân mưu cầu lẽ phải và hạnh phúc. Đó là những giá trị, đích đến mà mỗi nhà báo lúc đầu đến với nghề như một cái duyên, nhưng khi gắn bó, họ lại nhận ra đây là cái nghiệp nhằm hướng giá trị nhân văn và tốt đẹp hơn.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh