Nguy cơ dịch bệnh trở lại do thiếu vaccine

05:06, 14/06/2023

Thời gian gần đây, ngành y tế một số địa phương phản ánh xảy ra tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) gây khó khăn trong việc tiêm ngừa cho trẻ tại địa phương.

(VLO) Thời gian gần đây, ngành y tế một số địa phương phản ánh xảy ra tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) gây khó khăn trong việc tiêm ngừa cho trẻ tại địa phương.

Theo chương trình TCMR quốc gia, tình trạng thiếu một số loại vaccine bắt đầu từ giữa năm 2022 và kéo dài tới nay khiến nhiều trẻ nhỏ không được tiêm phòng đầy đủ.

Thống kê năm 2022 cho thấy, chỉ có 3/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi; tỷ lệ tiêm chủng chung toàn khu vực chỉ đạt 79,5% do thiếu vaccine TCMR.

Cùng với đó, tình trạng thiếu vaccine cũng diễn ra tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Cần Thơ, An Giang...

Tại một số địa phương, do thiếu vaccine nên khi người dân đưa con đến tiêm ngừa được nhân viên y tế khuyên nếu có điều kiện thì nên tiêm ngừa đúng lịch cho con bằng vaccine dịch vụ với giá hơn 1 triệu đồng/mũi.

Đối với những gia đình có điều kiện thì đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. Tuy nhiên, đối với những gia đình không có điều kiện thì phải chờ đợi đến khi có thuốc.

Tính đến nay, Việt Nam đã phòng ngừa được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não...

Tuy nhiên, việc thiếu nguồn vaccine TCMR được các chuyên gia dự báo có nguy cơ dịch bệnh trở lại, gia tăng gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, việc tiêm ngừa là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề. Vaccine “5 trong 1” thuộc chương trình TCMR có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B.

Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỷ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3-4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn vaccine ngừa bạch hầu- uốn ván- ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây bệnh.

Tại cuộc họp để giải quyết tình trạng thiếu vaccine trong chương trình TCMR mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ để áp dụng mua sắm vaccine cho TCMR với hình thức cấp bách này như chỉ định thầu, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng.

Cùng với đó, thực hiện ngay các giải pháp phù hợp như làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để kịp thời khắc phục ngay tình trạng thiếu vaccine trước ngày 24/6.

Cũng theo các chuyên gia y tế, nếu không sớm khắc phục ngay tình trạng thiếu vaccine, một số dịch bệnh mà chúng ta đã khống chế được như bại liệt, ho gà, sởi, rubella, bạch hầu… có thể bùng phát trở lại, khiến thành quả của chương trình TCMR mà ngành y tế cùng các địa phương đã nỗ lực đạt được hơn 40 năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh