Fan cuồng và những giá trị "vàng- thau" lẫn lộn

06:05, 07/05/2023

Sức mạnh của fan cuồng được tạo nên và nhân lên nhanh chóng chủ yếu dựa trên nền tảng mạng xã hội.

(VLO) Sức mạnh của fan cuồng được tạo nên và nhân lên nhanh chóng chủ yếu dựa trên nền tảng mạng xã hội.

Đã gọi là fan cuồng có nghĩa là ủng hộ bất chấp, khi nhân vật mà được họ xem là “thần tượng” làm gì, phát ngôn gì cũng đều nháo nhào tung hô. Hiện tượng này gây nên những hệ lụy nguy hại đến mọi mặt đời sống xã hội.

Thử nghĩ, khi mà những giá trị về đạo đức, luân lý, những giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, những giá trị nhân văn cao cả hay tầm thường… đều dễ dàng bị “đánh tráo” tạo nên sự đảo lộn, hỗn độn mọi quy chuẩn, trật tự làm nên sự lẫn lộn những giá trị “vàng- thau”.

Bên cạnh sức mạnh khủng của mạng xã hội, thì cũng cần soi xét, nhìn nhận cho thật kỹ là trong vấn đề này cũng có sự góp sức không nhỏ của các kênh truyền thông, truyền hình chính thống, tạo nên diễn đàn, chỗ đứng cho những cái gọi là “thần tượng” lên ngôi.

Khi những năm gần đây có quá nhiều nếu không muốn nói là sự lạm phát thần tượng, những trò nhảm nhí, những phát ngôn… nhảm nhí dễ dàng được lên ngôi “thần tượng”.

Và khi một “thần tượng” phọt ra từ cửa miệng bất cứ câu gì chẳng cần biết đúng sai, đều được fan cuồng xem là “khuôn vàng thước ngọc”.

Cũng từ đây, tạo cho những ai được xem là “thần tượng” lại nảy nòi cái tư tưởng, cái tâm lý trịch thượng “ta là vua, là thánh, là thiên tài”, “ta là bất khả xâm phạm”.

Một trò chơi “thọt lét” 1 phút 30 giây của mấy đứa trẻ nhỏ làm cho 3 ông hề cười được, đã được ca tụng ngay trên sóng truyền hình rằng: “Con là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước”, kiểu này là… hết thuốc chữa.

Nghe mà lùng bùng lỗ tai, khổ cái đó là những chương trình thu hút hàng triệu lượt khán giả xem đài. Cho nên, nhiều lúc những lời răn dạy về nhân cách, đạo đức, luân lý của một ông giáo làng trong lớp học có mấy chục học sinh thì… ai mà thèm nghe.

Không thể tin được trên mạng xã hội đã tạo nên một giá trị riêng có thể thống trị, dẫn dắt hàng triệu triệu fan cuồng đi theo cách nghĩ, cách sống tầm thường, tầm bậy; cho đến nỗi mà chửi tục cũng được tôn lên là “thánh chửi”; thần linh, thần thánh chưa bao giờ bị rẻ rúng, chà đạp một cách công khai như vậy, tất cả được sự góp sức một cách mạnh mẽ, hữu hiệu của mạng xã hội.

Mạng xã hội là một tiến bộ của khoa học nhân loại, nhưng nó như một “con dao hai lưỡi” dùng đúng thì đem lại những điều tốt đẹp cho con người, dùng sai thì hậu quả khôn lường.

Những đứa trẻ vị thành niên chưa thuộc hết những bài học đạo đức ở nhà trường, nhưng lại quá giỏi những trò hiếp đáp, đánh hội đồng và sẵn sàng tung lên mạng những hình ảnh phản cảm, những câu hò reo vui sướng, những câu chửi tục tĩu, đầy tính bạo lực. Rồi được nhiều người tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội.

Đây là căn bệnh xã hội có tính lây lan nhanh, mạnh và nguy hại gấp nhiều lần những dịch bệnh do các loại virus gây ra.

Nó hủy hoại, mục ruỗng từ bên trong những tâm hồn non trẻ và cả người lớn, nó làm đảo lộn mọi giá trị thật- giả “vàng- thau”. Nó nguy hiểm ở chỗ là mọi người không thấy sợ khi tiếp xúc với nó, như sợ các loại virus lây truyền bệnh tật.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh