Thực tế trong vài năm gần đây, người chăn nuôi phải bán giá sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm 2022, đặc biệt ở quý IV/2022 và quý I/2023, dẫn đến người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng.
(VLO) Thực tế trong vài năm gần đây, người chăn nuôi phải bán giá sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm 2022, đặc biệt ở quý IV/2022 và quý I/2023, dẫn đến người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng trong nước dao động từ 17.000-35.000 đ/kg thịt hơi, giá bình quân là 25.600 đ/kg. Trong khi mức bình quân giá thành sản xuất thường rơi vào khoảng 29.000 đ/kg. Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp cũng có nhiều biến động theo xu hướng giảm.
Ông Tống Xuân Chinh- Cục phó Cục Chăn nuôi, cho rằng đó là do nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng rất cao do các vấn đề về xung đột của các nước, tác động của COVID-19, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của một số quốc gia,… đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên. Sức sản xuất trong nước hiện nay rất lớn, nhưng sức tiêu dùng có hạn dẫn đến cung lớn hơn cầu, kéo giá sản phẩm xuống.
Ngoài ra, còn chịu áp lực cạnh tranh của sản phẩm gia cầm nhập khẩu. Trong 5 năm gần đây, riêng sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%), chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.
Các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, một khối lượng lớn gà sống đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200.000-250.000 tấn/năm.
Điều này gây sức ép rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, gây khó khăn trong việc bán sản phẩm gia cầm của các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi trong nước…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tiếp tục tạo đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi gia cầm trong nước, cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho gia cầm bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học...
Để tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước chắc chắn sẽ cần có lộ trình lâu dài liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau.
Dù vậy cũng cần phải tập trung triển khai nhiều giải pháp trước mắt để vực dậy ngành chăn nuôi gia cầm- ngành hàng quan trọng liên quan đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân và góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm cho nước ta.
YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin