Đề xuất nới chính sách thị thực

06:04, 12/04/2023

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về đề xuất đưa một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, diễn ra tháng 5/2023.

 

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về đề xuất đưa một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, diễn ra tháng 5/2023.

Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tạo nên cú huých mạnh cho ngành du lịch, góp phần tạo sức bật cho toàn nền kinh tế để du lịch của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Theo Chính phủ nhận định, sau đại dịch COVID-19, dù các nước đã bắt đầu khôi phục hoạt động nhập cảnh, lượng người nước ngoài vào Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).

Cách đây hơn 1 năm (tháng 3/2022), khi mở cửa du lịch trở lại, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới nhận định là một trong những quốc gia có chính sách mở cửa cởi mở. Sau hơn 1 năm, du lịch Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, nhất là du lịch nội địa với 103 triệu lượt khách. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế mới đạt gần 3,7 triệu lượt người, chưa được như kỳ vọng (mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022). Đáng chú ý, ở Thái Lan đến tháng 7/ 2022 mới mở cửa hoàn toàn, sau Việt Nam 4 tháng nhưng trong năm 2022 nước này đón tới 11 triệu khách quốc tế, gấp 3 lần Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi- Tăng tốc phát triển” vào tháng 3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt câu hỏi, tại sao du lịch Việt Nam “Đi trước nhưng lại về chậm”? cùng nhiều câu hỏi khác được Thủ tướng đặt ra với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan. Tại hội nghị này, những “nút thắt” của du lịch Việt Nam được chỉ rõ, trong đó có vấn đề quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú…

Vì thế, việc Chính phủ đề xuất đưa chính sách mở rộng cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 là cần thiết.

Cụ thể, về chính sách cấp thị thực điện tử, Chính phủ đề xuất chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Đồng thời, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Về chính sách đơn phương miễn thị thực, đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Chính phủ kỳ vọng các chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước được miễn thị thực có thời gian thực hiện những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế- xã hội.

AN NHIÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh