Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Quy hoạch (QH) tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(VLO) Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Quy hoạch (QH) tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về sự cần thiết và tính cấp bách của xây dựng QH, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, QH tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các QH trong hệ thống QH quốc gia và các QH khác, cũng như để thu hút đầu tư cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Dự kiến, QH phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường…
Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.
Về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao… dự kiến sẽ có 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.
Tham gia thảo luận, đại biểu đồng tình việc đánh giá thực trạng phát triển trên các lĩnh vực là rất cần thiết, đặc biệt là về hành lang kinh tế, trục kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, qua đó có cơ sở đưa ra định hướng triển khai cho thời gian tới.
Ngoài ra, đại biểu rất quan tâm đến việc phát triển vùng, liên kết vùng, và cho rằng, cần đánh giá đầy đủ những bất cập chưa giải quyết được, để có định hướng toàn diện.
Theo đại biểu, đây là vấn đề quan trọng, tuy nhiên đến nay liên kết còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, căn cơ hơn để phát huy hiệu quả. Cụ thể, nên chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa QH quốc gia và QH vùng, QH địa phương...
Song song đó, việc QH vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước và đặc biệt là không xa rời thực tiễn.
Điển hình như trong QH định hướng xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực, nếu không dự báo tốt về mức độ di dân đến các vùng kinh tế này, hoặc không có chính sách phát triển đồng bộ các vùng kinh tế, vùng đô thị vệ tinh, chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn, và đối mặt với những nguy cơ mật độ dân cư đông cục bộ, kéo theo hệ lụy gây tắc nghẽn giao thông hay ngập úng đô thị trong tương lai là điều không tránh khỏi.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin