Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, việc thông qua Nghị quyết tiếp tục thực hiện các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 30; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đại biểu nhận định Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống của ngành y tế.
(VLO) Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, việc thông qua Nghị quyết tiếp tục thực hiện các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 30; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đại biểu nhận định Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống của ngành y tế.
Theo đại biểu, các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022 trong khi một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán.
Do đó, việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách giúp bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, giúp các đơn vị y tế thuận lợi trong việc hoàn thành giải quyết các chế độ chính sách liên quan đến phòng chống dịch.
Về nội dung gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023 được gia hạn hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, đại biểu cho rằng, quy định này đã được thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm cung ứng thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, cũng như quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc của các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, với thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi của tình hình thế giới, việc đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm cho công tác khám chữa bệnh là một thách thức lớn.
Do đó, việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc là một chính sách hợp lý và đúng đắn giai đoạn này.
Đối với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu cho rằng, Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống, qua đó góp phần để ngành y tế thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh.
Sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua sẽ có thêm các chính sách cho đội ngũ y bác sĩ ở các cơ sở y tế cũng như đối với người bệnh đang được chăm sóc, điều trị ở các bệnh viện.
Nhiều đại biểu đề nghị, Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn để khơi thông các vấn đề còn vướng mắc để người dân có thể được cung cấp đầy đủ và tốt nhất điều kiện khám, chữa bệnh và đưa luật áp dụng kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin