Những chính sách phục hồi được thực hiện đồng loạt đã góp phần rất đáng kể giúp thị trường lao động vượt qua những "cú sốc" lớn trong hơn một năm qua.
(VLO) Những chính sách phục hồi được thực hiện đồng loạt đã góp phần rất đáng kể giúp thị trường lao động vượt qua những “cú sốc” lớn trong hơn một năm qua.
Điều này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động ở việc vừa ban hành chính sách mới, phù hợp với tình hình thực tế.
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - TB - XH Lê Văn Thanh cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2021 là kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Bộ Lao động - TB - XH đã khảo sát nhanh tình hình tại một số địa phương, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng từng chính sách, từng đối tượng không để sót, để thiếu.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.600 tỷ đồng.
Bên cạnh, những tháng cuối năm 2022, khi thị trường lao động gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra những chỉ đạo kịp thời.
Điều này thể hiện ở việc ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Nhận định những chính sách phục hồi thị trường lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho rằng, các chính sách có tầm nhìn khá logic từ Trung ương đến địa phương, từ ngắn hạn đến dài hạn.
Đề xuất các giải pháp để triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả trong thời gian tới, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cần cải thiện các điều kiện thụ hưởng để người dân có thể tiếp cận hỗ trợ thuận lợi, dễ dàng hơn.
Cùng với đó, cơ chế đánh giá tác động chính sách cần được thực hiện thường xuyên và thực chất hơn, tìm được các nguyên nhân triển khai chưa tốt để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin