Đừng để mất ý nghĩa tăng lương!

06:12, 15/12/2022

Người dân đang rất mừng, phấn khởi vì chuẩn bị được tăng lương, nhưng giá các mặt hàng khác lại đồng loạt tăng theo.

(VLO) Người dân đang rất mừng, phấn khởi vì chuẩn bị được tăng lương, nhưng giá các mặt hàng khác lại đồng loạt tăng theo.

Cụ thể, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Mức lỗ ước tính năm nay khoảng hơn 31.000 tỷ đồng và sẽ còn nhiều khó khăn cho các năm tiếp theo.

EVN đã kiến nghị tăng giá điện và đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bởi việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Gia đình nào cũng đều phải sử dụng điện như một sản phẩm thiết yếu, nếu tăng giá thậm chí có thể dẫn tới một bộ phận không nhỏ gia đình vừa thoát nghèo lại tái nghèo, còn với hộ nghèo mong thoát nghèo sẽ càng khó khăn hơn.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam có tới 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém về tài chính, giờ thêm giá đầu vào sản xuất tăng.

Theo TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, giá điện tăng sẽ đẩy mặt bằng giá, lạm phát gia tăng. Thời gian qua, chúng ta đã sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hợp lý, linh hoạt, thận trọng, khiến lạm phát chỉ ở mức 4%; kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng tốt hơn, tạo đà cho những năm tới.

Bối cảnh đó, nếu điều chỉnh tăng giá điện không hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thành tựu đã đạt được. Vì thế, TS Bùi Đức Thụ cho rằng, sớm nhất cũng phải từ giữa năm 2023 mới xem xét điều chỉnh với lộ trình phù hợp, tăng từng bước và có thể điều chỉnh trong 3 - 4 lần đảm bảo sự thích ứng.

Mặt khác, nếu tăng giá điện vào thời điểm tăng lương cơ sở thì phải có giải pháp để kiềm chế lạm phát. Tránh tình trạng người dân đang rất phấn khởi vì được tăng lương, nhưng giá cả đã tăng, trong đó có giá điện thì việc tăng lương không còn ý nghĩa lớn.

Riêng ngành điện cũng cần chủ động đi trước một bước trong việc tập trung phát triển theo chương trình, kế hoạch, tiết giảm chi phí, chống thất thoát, đặc biệt là trong truyền tải điện. Không nên thua lỗ rồi cứ tính vào giá, gây áp lực đối với xã hội, buộc người dân và xã hội phải gánh chịu!

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh