20 năm trước, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2002, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 547USD, xếp thứ 160/195 trên thế giới.
(VLO) 20 năm trước, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2002, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 547USD, xếp thứ 160/195 trên thế giới.
Đến năm 2021, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng lên đạt khoảng 3.743USD, xếp thứ 124 trên thế giới. Như vậy, Việt Nam đã nhảy 36 bậc trong bảng xếp hạng GDP bình quân trên thế giới giai đoạn 2002 - 2021. Cùng với đó, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng 6,8 lần trong giai đoạn này.
Năm 2022, IMF đã đưa ra dự báo GDP bình quân cho các nước trên thế giới. Trong đó, GDP bình quân Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt khoảng 4.163USD, xếp thứ 117 trên thế giới.
Theo đó, GDP bình quân Việt Nam năm 2022 sẽ nhảy 7 bậc so với năm 2021 và 43 bậc so với năm 2002 trên quy mô thế giới.
Xét riêng các nước trong khối ASEAN, năm 2022, Singapore là nước có dự báo GDP bình quân cao nhất, đạt khoảng 79.426USD, xếp thứ 6 trên thế giới. Brunei đạt khoảng 42.939USD, xếp thứ 2 trong khối ASEAN và thứ 23 trên thế giới…
Tiếp theo là Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Với Việt Nam, GDP bình quân được IMF dự báo xếp thứ 6 trong khối ASEAN, xếp trên Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao và kéo dài tại nhiều quốc gia thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn dự kiến đạt khoảng 8%.
Mức tăng trưởng này được đánh giá cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại… thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững”.
Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhưng tính chung 2 năm 2021 - 2022 thì chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Đứng trước nhiều thách thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: “Thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành”.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin