Tôn vinh tiếng Việt

05:09, 10/09/2022

Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động ngày 8/9, tại Hà Nội.

(VLO) Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động ngày 8/9, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Phạm Quang Hiệu cho biết việc phê duyệt đề án và lựa chọn ngày 8/9 hàng năm làm ngày Tôn vinh tiếng Việt không chỉ thể hiện sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài…

“Đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là sự kết nối cộng đồng, là điểm tựa vững chắc của văn hóa Việt Nam”- ông Phạm Quang Hiệu cho biết.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về cho quê hương, đất nước.

Giữ gìn và làm giàu tiếng Việt cũng là trách nhiệm của toàn dân. Kể từ năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát động Phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Trước bao thăng trầm và đổi thay của đất nước và đời sống xã hội, tiếng Việt luôn khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình, khẳng định được sự giàu đẹp vốn có của nó.

Tiếng Việt vẫn thắp trên môi chúng ta mỗi ngày, là thước đo tâm hồn người Việt, là dòng chảy bất tận trong những tác phẩm văn chương, trong bao lời ca tiếng hát và lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, tất cả những thanh âm của quê hương, của bao lớp người lần lượt hiện lên qua những dòng thơ.

Từ tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm đến tiếng kéo gỗ nhọc nhằn, từ tiếng gọi đò trên sông vắng đến tiếng lụa xé đau lòng, từ tiếng nước lũ dập dồn đến lời cha dặn... Vẻ đẹp của tiếng Việt giàu thanh điệu cho ta những biểu cảm độc đáo về mặt thanh âm: “Dấu huyền trầm dấu ngã chênh vênh/Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy”…

Mỗi người chúng ta cần nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để luôn tự hào về tiếng của dân tộc Việt Nam, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh