Định hình mô hình phát triển mới

05:08, 28/08/2022

ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình để bước sang thời kỳ mới trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh tế suy thoái và đặc biệt là sự tác động của biến đổi khí hậu.

(VLO) ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình để bước sang thời kỳ mới trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh tế suy thoái và đặc biệt là sự tác động của biến đổi khí hậu.

Đó là nhận định của ông Võ Tân Thành- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong khi đó, các nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã cơ bản đầy đủ, là tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, trong đó Quy hoạch tích hợp ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 như một sự sắp đặt lại cấu trúc kinh tế của vùng vốn đã manh mún, bị chi phối bởi quan niệm phát triển và cách tiếp cận trong hoạch định tăng trưởng của từng địa phương.

Tuy nhiên, để các nghị quyết quan trọng được triển khai, bản quy hoạch tích hợp nhanh chóng được thực thi, theo ông Võ Tân Thành, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển.

Để có những chính sách hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới…

Cho rằng ĐBSCL đang tụt hậu về kinh tế so với cả nước, theo TS. Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, mô hình phát triển ĐBSCL hiện tại tuy hữu dụng trong quá khứ nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh mới.

Để phát triển mô hình mới cho ĐBSCL, nhất thiết phải có: Tầm nhìn phát triển mới; tháo gỡ được các nút thắt phát triển cơ bản, phá “vòng xoáy” đi xuống; động lực phát triển mới và nguồn lực đủ để thực hiện tầm nhìn. Do vậy, mô hình phát triển mới cho ĐBSCL cần hài hòa kinh tế- xã hội- môi trường.

Từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh: Từ lúa gạo- thủy sản- trái cây sang thủy sản- trái cây- lúa gạo cho vùng. Chú trọng chất lượng và giá trị hơn số lượng. Nước mặn, nước lợ chứ không chỉ nước ngọt đều là tài nguyên quý báu.

Cụm từ “3 vòng xoáy đi xuống” xuất phát từ báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 do VCCI chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện và công bố hồi đầu tháng 8.

Báo cáo cho rằng ĐBSCL đang chịu sự kìm hãm của 3 vòng xoáy đi xuống, đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Muốn vùng này phát triển, vấn đề cần phải giải quyết là “phá vỡ” các mắt xích đã kìm hãm sự phát triển của vùng. 

LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh