Thời gian qua, tình trạng xin nghỉ việc diễn ra tại nhiều ngành và lĩnh vực của khu vực công ngày càng gia tăng đang đặt ra một vấn đề rất lớn đối với nền công vụ thời gian sắp tới.
Thời gian qua, tình trạng xin nghỉ việc diễn ra tại nhiều ngành và lĩnh vực của khu vực công ngày càng gia tăng đang đặt ra một vấn đề rất lớn đối với nền công vụ thời gian sắp tới.
Tại một số cuộc hội thảo về vấn đề này, nhiều ý kiến phản ánh của cán bộ, viên chức và các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ chính sách còn nhiều bất cập. Theo các chuyên gia, trước hết, lương trong lĩnh vực công quá thấp. Lương không đủ sống là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiện tượng “chảy máu” nhân lực công. Song song đó, việc sử dụng nhân lực ở lĩnh vực công kém linh hoạt hơn lĩnh vực tư rất nhiều. Trong lĩnh vực tư, nhân tài có thể được phát hiện và đề bạt ngay lập tức và cũng có thể bị chuyển đổi ngay lập tức nếu không phù hợp. Trong lĩnh vực công, chờ được quy hoạch, được cấp đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp… Đó là chưa nói tới tình trạng năng lực chuyên môn chưa được coi trọng đúng mức. Trong không ít trường hợp, năng lực quan hệ dường như cho thấy tầm quan trọng cao hơn cả năng lực chuyên môn.
Trước đây, lĩnh vực tư chưa phát triển, nên không có sự cạnh tranh giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao. Ngày nay, lĩnh vực công đang phải cạnh tranh với lĩnh vực tư, và khi chế độ chính sách chưa phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đời sống vật chất cho gia đình thì việc bỏ lĩnh vực công ra lĩnh vực tư là điều có thể xảy ra như thời gian qua.
Một trong số nhiều ý kiến được ghi nhận các yếu tố để “giữ chân” nguồn nhân lực: Một là thu nhập, vị trí hợp lý; hai là có chính sách đãi ngộ tốt; ba là tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. Nhận định lại các nguyên nhân vừa nêu, nhiều ý kiến cho rằng các ngành chức năng phải nhận biết đầy đủ các nguyên nhân của hiện tượng “chảy máu” nhân lực công và phải có những phản ứng chính sách phù hợp. Các phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để loại bỏ các nguyên nhân này và là nội dung cốt lõi của công cuộc cải cách, nhằm tạo ra một môi trường công vụ hấp dẫn và lành mạnh.
Tại hội nghị mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, muốn vậy phải dựa vào con người là chính. Theo đó, cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin