Kiềm chế lạm phát

06:06, 10/06/2022

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, lạm phát đang là vấn đề hết sức "nóng" và cần tập trung chống lạm phát để bảo đảm phát triển và an sinh xã hội, không gây khó cho người dân.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, lạm phát đang là vấn đề hết sức “nóng” và cần tập trung chống lạm phát để bảo đảm phát triển và an sinh xã hội, không gây khó cho người dân.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, vật tư đầu vào rất lớn. Thêm vào đó, Việt Nam đang giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, nghĩa là tăng thêm tiền vào nền kinh tế, thêm áp lực lạm phát. Bộ trưởng có giải pháp gì kiềm chế lạm phát thời gian tới?

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện trên thế giới lạm phát đã là 8,3%, Châu Âu 8%, Singapore 5,4%... còn Việt Nam là 2,25%. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nguồn nguyên vật liệu chưa sản xuất được, phụ thuộc nước ngoài. Giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón… Tuy vậy, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam tự chủ được lương thực, thực phẩm vốn chiếm tới 40% rổ hàng hóa, do đó áp lực lạm phát ít hơn. Vì vậy, đây cũng có thể là thời điểm vàng để chúng ta bứt phá phát triển, nếu tận dụng được cơ hội này.

Về giải pháp, Bộ trưởng nhắc đến một số chính sách tài khóa vừa giảm thuế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tiết kiệm chi đầu tư, chi thường xuyên; quản lý chặt giá cả; thực hiện đúng Luật Giá. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đột phá vào kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số. “Vì vậy, mọi thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghiệp phải dồn cho người dân, doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và đây là giải pháp căn cốt nhất để chống lạm phát tốt nhất”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa cần kết hợp chặt chẽ. “Trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách kiểm soát giá”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói. Ngoài ra, thông qua BCĐ Điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những chính sách phù hợp. 

YÊN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh