Quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

05:04, 06/04/2022

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2022, Chính phủ đánh giá, trong quý I/2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế- xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội…

(VLO) Tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2022, Chính phủ đánh giá, trong quý I/2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu” gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế- xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội…

Kết quả, tình hình kinh tế- xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Trong đó, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%). Kết quả này có tác động rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, trong bối cảnh sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, bài học kinh nghiệm quý báu rút ra là việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc, chi phối lớn bởi bên ngoài.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong thời gian tới, Chính phủ tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.

Song song đó, quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý, khẩn trương việc nhập khẩu và triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5- 11 tuổi và nghiên cứu, tham khảo các nước phát triển, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về việc tiêm cho trẻ từ 3- 5 tuổi thời gian tới. Ngoài ra, tổ chức hình thức dạy học phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; sớm triển khai đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp an toàn.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh