Nghịch lý nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

05:04, 17/04/2022

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi "nhảy múa" theo chiều hướng "chỉ có tăng, chứ không có giảm"; thì người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… lại như đứng đống lửa như ngồi đống than.

(VLO) Trong khi giá thức ăn chăn nuôi “nhảy múa” theo chiều hướng “chỉ có tăng, chứ không có giảm”; thì người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… lại như đứng đống lửa như ngồi đống than.

Người chăn nuôi luôn tính toán lấy công làm lời, tiết kiệm chi phí để làm sao hạ giá thành xuống mức thấp nhất, nhưng cũng không thể nào thoát tình cảnh: giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, nhưng giá bán nông sản thấp, dẫn đến thua lỗ phải “treo ao”, bỏ chuồng.

Nghịch lý ở chỗ, là đất nước nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo đứng hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Tính riêng trong 8 tháng năm 2021, tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay, tổng phụ phẩm nông nghiệp của chúng ta bao gồm từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản có khoảng 156,8 triệu tấn.

Đây là tiềm năng lớn, thân cây chuối, bã bắp, lõi bắp… có thể chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Và muốn tận dụng tốt các phụ phẩm này, cần phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, có thể chuyển một số giống lúa chất lượng cao sang một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi, đưa bắp sinh khối, cám gạo làm nguyên liệu thức ăn.

Tăng diện tích trồng đậu tương (đậu nành) để chế biến thức ăn chăn nuôi. Cùng với cách đó, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể để phát triển ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước.

Việc giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng cao đã tạo nên thách thức lớn cho ngành chăn nuôi từ nửa cuối năm 2021, ảnh hưởng tới việc tái đàn, đặc biệt gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ những nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh: “Tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu”.

Nếu giải được bài toán này, không chỉ là giải pháp hỗ trợ kịp thời rất lớn cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, mà còn đóng góp lâu dài cho tương lai phát triển của ngành chăn nuôi.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh