Giải "cơn khát" cao tốc

08:04, 28/04/2022

Hôm qua (27/4), cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã khánh thành trong niềm vui vỡ òa của hơn 20 triệu dân ĐBSCL. 13 năm thi công với nhiều trắc trở cho tuyến đường dài hơn 51km này, xe cộ sẽ chính thức được lưu thông, đã giải "cơn khát" về cao tốc cho khu vực vốn rất nhiều tiềm năng.

Hôm qua (27/4), cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã khánh thành trong niềm vui vỡ òa của hơn 20 triệu dân ĐBSCL. 13 năm thi công với nhiều trắc trở cho tuyến đường dài hơn 51km này, xe cộ sẽ chính thức được lưu thông, đã giải “cơn khát” về cao tốc cho khu vực vốn rất nhiều tiềm năng.

Đây là công trình có ý nghĩa lớn với người dân trong kết nối giao thương giữa các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm đình trệ để tháo gỡ khó khăn của dự án, Chính phủ đã có bước chuyển táo bạo, quan trọng, đó là chuyển dự án cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết định thay đổi đơn vị tổng thầu xây dựng dự án. Theo đó, chủ đầu tư mới là Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận dự án. Đây là một quyết định táo bạo trong lúc công trường đang dở dang, phức tạp kéo dài nhiều năm.

Dù gặp nhiều khó khăn về vốn, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt 2 năm, nhưng với ý chí, quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, tỉnh Tiền Giang, sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công đã thực hiện tốt lời hứa trước Nhân dân ĐBSCL là sớm đưa công trình vào sử dụng, góp phần thuận lợi phát triển khu vực.

Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè- Tiền Giang). Tổng vốn đầu tư dự án hơn 12.000 tỷ đồng.

Với niềm tin một năm mới tươi sáng khi vừa bước qua đỉnh dịch COVID-19, lễ khánh thành thông xe cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là sự khởi nguồn cho giấc mơ về những con đường huyết mạch tương lai. Không chỉ cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đang được thi công, kế hoạch khánh thành vào năm 2023. Đây là tuyến đường huyết mạch thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông, kết nối các tuyến chính tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Ngoài ra, tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Bức tranh giao thông ĐBSCL gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường bộ, cầu vượt sông lớn, cụm cảng… Và trong 5- 10 năm nữa, khi hạ tầng giao thông có sự thay đổi lớn thì kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng từ đó cũng được phát triển, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy “con tàu” phát triển miền Tây Nam Bộ tiến về trước, phát triển sẽ mạnh mẽ hơn.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh