Cơ cấu lại nền kinh tế

06:04, 14/04/2022

Tập trung cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng; phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

(VLO) Tập trung cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng; phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đó là một số nội dung trọng tâm tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành.

Nghị quyết đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5- 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước.

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000- 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5- 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, nghị quyết nêu rõ là tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát triển, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm…

Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh- thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện; triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ phù hợp điều kiện thực tế từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh