Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

07:04, 19/04/2022

Hiện nay, một số địa phương đã triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em ở nhóm tuổi từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Hiện nay, một số địa phương đã triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em ở nhóm tuổi từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Phát biểu tại lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ cao và Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác.

Việc duy trì, tăng cường tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong tình hình dịch COVID-19, góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em, giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học; đồng thời giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ Y tế đề nghị các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn. Theo kế hoạch, có 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi gồm vắc xin Pfizer và Moderna. Bộ Y tế chỉ tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào.

Bộ Y tế lưu ý, cha mẹ, người giám hộ cần cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị mà trẻ đang sử dụng. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

TS.BS. Lê Kiến Ngãi- Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng phải theo dõi sức khỏe của trẻ những ngày trước đó, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường hoặc viêm đường hô hấp thì hãy chăm sóc đến khi trẻ khỏe mạnh mới đưa trẻ đi tiêm.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh