Vận hội cho Đồng bằng sông Cửu Long

05:03, 10/03/2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực giấc mơ của mấy chục triệu dân ĐBSCL, cũng như mở ra vận hội mới cho vùng đất này.

(VLO) Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực giấc mơ của mấy chục triệu dân ĐBSCL, cũng như mở ra vận hội mới cho vùng đất này.

Là châu thổ trẻ, ÐBSCL được nhận định là vùng mẫn cảm trước các tác động tiêu cực của thiên nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cùng với đó là tác động của con người, nhất là xây dựng thủy điện trên các dòng sông chính làm cho tình trạng càng tồi tệ hơn ở những năm thời tiết khốc liệt.

Tại hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề: “Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh- sinh thái- bền vững” mới đây- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.

Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa tương xứng, do có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức lớn như: việc chuyển đổi tư duy sản xuất còn chậm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ lực. Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ…

Đây là lần đầu tiên ĐBSCL có một quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùng, giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2050. Theo mục tiêu cụ thể, kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5 %/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2- 2,5 lần so với năm 2021.

Tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, đưa du lịch trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp- nông thôn, du lịch sinh thái.

Tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị vùng ĐBSCL cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình.

Thủ tướng cũng tin tưởng, thời gian tới ngành nông nghiệp vùng sẽ chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững, người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; nông thôn ngày càng sạch đẹp, hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh