Giá xăng lập... "hat-trick"!

06:03, 03/03/2022

Tại kỳ điều hành ngày 1/3, Liên Bộ Công thương- Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán không cao hơn 26.077 đồng/lít. Xăng RON95- III tăng 547 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, giá bán không cao hơn 26.834 đồng/lít. Với mức tăng này, giá xăng RON95 lập "hat-trick" đắt nhất lịch sử.

Tại kỳ điều hành ngày 1/3, Liên Bộ Công thương- Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán không cao hơn 26.077 đồng/lít. Xăng RON95- III tăng 547 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, giá bán không cao hơn 26.834 đồng/lít. Với mức tăng này, giá xăng RON95 lập “hat-trick” đắt nhất lịch sử.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. So với tháng trước, CPI tháng 2/2022 tăng 1%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,99%; khu vực nông thôn tăng 1,02%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá.

Trong các yếu tố khiến CPI 2 tháng đầu năm tăng, đà tăng giá của xăng dầu trong nước là một trong những nguyên nhân chính. Xăng dầu là một trong những mặt hàng được sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này đã trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước; đặc biệt tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy...

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát mục tiêu 4% theo quý và cả năm 2022 làm căn cứ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt, bên cạnh các yếu tố như: vốn đầu tư công, thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, yếu tố biến động giá xăng dầu cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát. Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh