Để kiểm soát lạm phát

05:03, 11/03/2022

Tại Diễn đàn trực tuyến "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế", ngày 9/3, ông Nguyễn Xuân Định- Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nếu nhìn lại năm 2021, chúng ta có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.

(VLO) Tại Diễn đàn trực tuyến “Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, ngày 9/3, ông Nguyễn Xuân Định- Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nếu nhìn lại năm 2021, chúng ta có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.

Theo ông Định, những khó khăn có thể kể ra như tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, giá nguyên vật liệu trên thế giới có những diễn biến rất bất ổn… Năm 2021, Việt Nam đã thành công khi kiềm chế lạm phát và chỉ tăng 1,84%, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%. “Theo chúng tôi đánh giá, với kịch bản năm 2022, lạm phát của Việt Nam có thể lên đến từ 3,6- 4,3%”- ông Nguyễn Xuân Định cho hay.

Ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng hiện nay, Việt Nam đang phải chịu áp lực lạm phát từ 3 yếu tố: Tổng cầu trong nước đang tăng đột biến; kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ví dụ như đứt gãy chuỗi cung ứng khí đốt ở Châu Âu.

Do đó, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt.

Đồng thời, phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, giữa thế giới với Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để có thể kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự hồi phục phát triển kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm 2022, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022.

Trong đó, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu... Để qua đó đề ra những biện pháp quản lý, điều hành giá kịp thời, góp phần bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát.

YÊN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh