Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình vừa ban hành được xem là những giải pháp tích cực để khôi phục kinh tế trong năm 2022.
(VLO) Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình vừa ban hành được xem là những giải pháp tích cực để khôi phục kinh tế trong năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 2 năm 2022- 2023, chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế được thực hiện với mục tiêu đảm bảo phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Và việc triển khai chương trình này kỳ vọng kinh tế năm 2022 không chỉ đạt mục tiêu 6- 6,5% mà còn tăng cao hơn nữa, đến 7%.
Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Trong đó, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Chính phủ tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả.
Ngoài đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021- 2025 từ 6,5- 7%, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu còn đảm bảo an sinh xã hội của người dân, người nghèo.
Ngoài chương trình trên, với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên; việc hoàn thành bao phủ vắc xin vào đầu năm 2022; kỳ vọng khả năng chủ động sản xuất được vắc xin COVID-19 để sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vắc xin cho toàn dân… là một trong những điều kiện tiên quyết và tín hiệu lạc quan để phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021- 2025 và các năm tiếp theo.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin