Động lực tăng trưởng từ kinh tế số

06:02, 19/02/2022

Dịch COVID-19 tạo áp lực lẫn động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam cả về tốc độ, phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn.

(VLO) Dịch COVID-19 tạo áp lực lẫn động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam cả về tốc độ, phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chương trình này có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021, dịch COVID-19 được coi là “cú hích trăm năm”, thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác.

Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến.

Việt Nam đang hướng mạnh đến mục tiêu năm 2025 có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, với ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và kinh tế thế giới, để đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2022 như mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6- 6,5%, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế số, chuyển đổi số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.

Bộ TT&TT đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, cần chuyển biến tư duy lãnh đạo quản lý và điều hành kinh tế- xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, để người dân, doanh nghiệp nắm rõ được bản chất, ý nghĩa, vai trò của kinh tế số đối với tăng trưởng kinh tế. 

LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh