Tết này ai ở lại thành phố, ai về quê?

06:01, 16/01/2022

Không năm nào câu hỏi này lại khiến nhiều người băn khoăn đến vậy. Dịch bệnh là một lẽ, còn có lý do khó thể nói thành lời là các khoản chi ba ngày Tết, bình thường thì… không đáng gì, nhưng qua một năm khốn khó vì COVID-19, lại trở thành áp lực quá lớn.

(VLO) Không năm nào câu hỏi này lại khiến nhiều người băn khoăn đến vậy. Dịch bệnh là một lẽ, còn có lý do khó thể nói thành lời là các khoản chi ba ngày Tết, bình thường thì… không đáng gì, nhưng qua một năm khốn khó vì COVID-19, lại trở thành áp lực quá lớn.

Sau nhiều cân nhắc, chị Kim Loan ở Long Hồ đã quyết định đưa con trai lên Sài Gòn ăn tết với chồng. Trước dịch, anh chị cùng làm công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận, chị đưa con về quê gửi ngoại thì dịch bùng phát và “mắc kẹt ở quê”.

Anh ở lại thành phố duy trì công việc và từ đó không về quê vì sợ lây lan dịch bệnh cho gia đình. Khi thành phố tái lập “vùng xanh”, chị khăn gói lên cùng chồng “ăn Tết nhà trọ”. Đầu tháng Chạp, anh đã chạy xe máy về rước vợ con lên.

Tết là sum họp, là đoàn viên, người ở đâu xuôi ngược cũng muốn quay về bên mâm cơm gia đình ấm cúng, hàn huyên với cha mẹ già, thăm hỏi người thân. Tết năm nay đã đến rất gần, nhưng đối với nhiều người đường về nhà hãy còn xa.

Nhiều anh chị tôi đã bỏ lửng câu trả lời khi được hỏi có về quê ăn Tết không? Ngoài lý do ngại đi xe đò, ra nơi công cộng đông đúc, còn vì “năm 12 tháng, nghỉ ở nhà hết… 10 tháng, kinh tế thật eo hẹp. Nếu vợ chồng, hai con về quê, thì đủ thứ cần mua sắm. Số tiền đó cần để dành làm vốn bán buôn”.

Nhưng anh chị chỉ cho ba má tôi biết “vì dịch bệnh còn nhiều quá”, làm ông bà buồn buồn “vậy còn gì là nếp nhà, còn gì là Tết!”.

Quả là một bài toán không dễ tính đối với nhiều người lao động thu nhập bấp bênh. Làm sao cân đối giữa các khoản chi tiêu và về quê ăn Tết- không chỉ “mang tiền về cho mẹ”, mà quan trọng nhất còn làm tròn bổn phận của người con trong gia đình, trách nhiệm đưa con cháu về quê- ít nhất năm một lần, để nhắc nhở cội nguồn, phong tục tốt đẹp.

Qua báo chí và tâm sự của những người con đi làm ăn xa, chắc hẳn những người ở quê đang trông đợi ngày Tết sum vầy sẽ thấu hiểu để thích ứng với việc “ăn Tết trực tuyến” cùng nhau.

Có thể chúng ta “liệu cơm gắp mắm” ăn Tết đơn giản hơn, bớt những chuyến thăm viếng trong Tết này, nhưng sự yêu thương chia sẻ, tình cảm chân thành dành cho nhau sẽ là động lực cùng đi qua khó khăn, sẽ càng biết quý trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp hơn.

LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh