Nối dài cao tốc

07:01, 20/01/2022

Hôm qua, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã chính thức khánh thành thông xe kỹ thuật trong niềm vui vỡ òa của hơn 20 triệu dân ĐBSCL và sẽ phục vụ xe ô tô đi lại dịp Tết Nguyên đán này.

Hôm qua, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã chính thức khánh thành thông xe kỹ thuật trong niềm vui vỡ òa của hơn 20 triệu dân ĐBSCL và sẽ phục vụ xe ô tô đi lại dịp Tết Nguyên đán này.

Niềm vui của người đồng bằng cũng có lý do, bởi nhìn lại hành trình 13 năm của tuyến cao tốc này trải đầy gian khó, trong đó có gần 10 năm “dậm chân tại chỗ” bởi những nhà đầu tư yếu kém. Khởi công từ tháng 11/2009, nhưng sau đó ít nhất với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành dự án.

Sau khi Tập đoàn Đèo Cả vào điều hành lại gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tháng 6/2021, nhiều cán bộ, công nhân thuộc diện F0, F1 phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại chỗ, một số gói thầu phải tạm ngưng thi công, việc cung ứng vật liệu tê liệt do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Đặc biệt, theo ban quản lý dự án, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đi qua vùng địa chất phức tạp, có đến 45/51,5km đường nền đất yếu, trong đó 40km phải xử lý bằng biện pháp cắm bấc thấm và gia tải, theo dõi quá trình lún. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian theo dõi nền đường vẫn chưa hết lún và cần phải kéo dài thời gian gia tải…

Đây là dự án PPP do UBND tỉnh Tiền Giang đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, Bộ Giao thông- Vận tải chỉ quản lý về chuyên ngành, đảm bảo dự án thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, vận hành và khai thác an toàn.

Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết còn nhiều vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ. Công ty đã kiến nghị Bộ Giao thông- Vận tải phối hợp tỉnh Tiền Giang mời hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu... hỗ trợ việc điều chỉnh, đánh giá góp ý kiểm soát chất lượng công trình trước khi đưa vào thu phí.

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dài 51,1km, bề rộng mặt đường 17m với 4 làn xe cơ giới, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành phố ĐBSCL. Việc đưa dự án vào sử dụng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giúp giảm áp lực với QL1 khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh