Kỳ vọng gói hỗ trợ kích thích kinh tế

06:01, 05/01/2022

Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội để Quốc hội thảo luận, xem xét và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

(VLO) Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội để Quốc hội thảo luận, xem xét và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Theo Tờ trình, gói hỗ trợ được đề xuất Quốc hội thông qua là 291.000 tỷ đồng với nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư, trong đó ưu tiên giảm thuế, đầu tư hạ tầng…

Mục tiêu của gói chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Sẽ có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với quy mô thực hiện từng gói, bao gồm: Dành 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; gói bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm là 53.150 tỷ đồng; gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng; gói phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển là 113.850 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế- xã hội cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Do đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế- xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ: sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, là quy mô cụ thể các nguồn lực huy động và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. 

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh