Diện mạo mới giao thông ĐBSCL

06:01, 27/01/2022

Hệ thống giao thông hoàn thiện sẽ thúc đẩy rất lớn cho phát triển kinh tế- xã hội. Xác định điều này, nên thời gian qua giao thông khu vực ĐBSCL được Chính phủ và nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tỉnh- thành ĐBSCL đặc biệt quan tâm, đầu tư tạo diện mạo mới.

Hệ thống giao thông hoàn thiện sẽ thúc đẩy rất lớn cho phát triển kinh tế- xã hội. Xác định điều này, nên thời gian qua giao thông khu vực ĐBSCL được Chính phủ và nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tỉnh- thành ĐBSCL đặc biệt quan tâm, đầu tư tạo diện mạo mới.

Khép lại năm 2021, nhiều tin vui cho giao thông khu vực này, khi nhiều dự án giao thông trọng điểm được khởi công cũng như khánh thành đưa vào khai thác. Đó là khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án được đánh giá là một “mảnh ghép” rất quan trọng cùng cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh- cầu Vàm Cống; tuyến cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi đã được đưa vào khai thác sử dụng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh An Giang, TP Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung.

Cũng mới đây, một dự án được “Chính phủ rất quan tâm” và Thủ tướng nhiều lần trực tiếp đến công trường kiểm tra- tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cũng được khánh thành đưa vào khai thác. Công trình ví như “mạch máu” sẽ liên thông đô thị liên vùng TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ và 2 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia ĐBSCL với Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế- xã hội.

Vai trò, vị trí đặc biệt của vùng ĐBSCL- là một trong những vùng trọng điểm về đảm bảo quốc phòng- an ninh, phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa- xã hội của đất nước. Tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, đồng thời gắn kết tốt, ĐBSCL không chỉ phát huy được tối đa lợi thế, mà còn tạo ra một tổng thể kinh tế hài hòa và hoàn chỉnh cho toàn vùng kinh tế phía Nam. Trong quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc, để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm kinh tế- văn hóa phát triển của cả nước, tạo “động lực”, “đột phá”, “cửa ngõ chiến lược”... như quy hoạch định hướng.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh