Giao thông sẽ đột phá

06:12, 16/12/2021

Tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thẩm định là công cụ quan trọng hàng đầu cho vùng đất "chín rồng" cất cánh.

(VLO) Tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thẩm định là công cụ quan trọng hàng đầu cho vùng đất “chín rồng” cất cánh.

Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành, trình hội đồng thẩm định.

Theo đại diện tư vấn quy hoạch- liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức) đến năm 2050, ĐBSCL phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư, mà trọng tâm là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”.

Đại diện cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Trần Quốc Phương tiếp thu, giải trình các ý kiến, đồng thời cho rằng: “Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ”.

Các ý kiến phản biện cũng đặt ra vấn đề cấu trúc vùng đô thị, sơ đồ tổ chức không gian. Trong đó, cũng yêu cầu tập trung xử lý về câu chuyện “đường ra quốc tế” của các sản phẩm vùng ĐBSCL phải thông qua TP Hồ Chí Minh, trong khi hệ thống giao thông quá tải, các tuyến cao tốc thường xảy ra tắc nghẽn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành- Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch nhấn mạnh, vai trò, vị trí đặc biệt của ĐBSCL trong đảm bảo quốc phòng- an ninh, phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ quy hoạch có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Phó Thủ tướng đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông để bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. “Từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc”- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

Trước mắt, từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Sóc Trăng- Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề (khoảng 400km). Đồng thời, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

N. HOÀNG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh