Để phục hồi du lịch bền vững

06:12, 03/12/2021

Dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có; các hoạt động của doanh nghiệp trong ngành gần như tê liệt, kéo theo tình trạng lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng. Khi hoạt động du lịch từng bước phục hồi, việc tìm ra các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả là hết sức quan trọng đối với lĩnh vực được coi là mũi nhọn này.

Dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có; các hoạt động của doanh nghiệp trong ngành gần như tê liệt, kéo theo tình trạng lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng. Khi hoạt động du lịch từng bước phục hồi, việc tìm ra các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả là hết sức quan trọng đối với lĩnh vực được coi là mũi nhọn này.

Tại Diễn đàn du lịch trực tuyến “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” ngày 30/11, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: “Các nhà quản lý, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp, người làm du lịch phải có sự điều chỉnh để thích ứng, hướng tới phát triển bền vững”.

Xu hướng được nhắc đến nhiều là sản phẩm trong giai đoạn hậu COVID-19 như du lịch sức khỏe, thiên nhiên, môi trường, khách đi theo nhóm nhỏ, bắt đầu từ các sản phẩm nghỉ dưỡng, tuyến đi gần, với hành trình khép kín… Vì vậy, để tăng sức hút với du khách, mỗi doanh nghiệp, địa phương cần căn cứ vào đặc thù, thị trường mục tiêu để tìm ra con đường phù hợp trong từng giai đoạn. Các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch cần phải theo phương châm “du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” và cần lộ trình cụ thể.

Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc. Việc triển khai mô hình liên kết, chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch cũng sẽ là một hướng đi mang lại hiệu quả cho ngành du lịch. Dòng sản phẩm này được kỳ vọng sẽ từng bước tăng sức hấp dẫn cho du khách trong giai đoạn phục hồi cũng như phát triển lâu dài.

Nhận định du lịch được dự báo là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, ông Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đề xuất ngành du lịch cần đồng bộ các giải pháp như: Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng; phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch. Đồng thời, tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới của thị trường.

AN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh