Để hàng Việt mạnh trên "sân nhà"

06:12, 10/12/2021

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng Việt Nam.

(VLO) Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Đó là đánh giá từ Hội nghị Giữ vững mối liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do Bộ Công thương tổ chức.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

Qua đó, nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+.

Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch COVID-19, hàng loạt các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa đã được triển khai.

Đặc biệt, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bền bỉ, liên tục trong hơn 11 năm qua là một trong những giải pháp hỗ trợ quan trọng.

Các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức: trực tuyến, ứng dụng môi trường số…

Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã được duy trì, từ đó hỗ trợ người sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

Để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128 của Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài.

Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất. 

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh