"Tính sai là lỗ ngay" trở thành câu cửa miệng lúc trà dư tửu hậu của nông dân ĐBSCL những năm qua, nhưng giờ đây cũng rất thật trong vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022 này.
(VLO) “Tính sai là lỗ ngay” trở thành câu cửa miệng lúc trà dư tửu hậu của nông dân ĐBSCL những năm qua, nhưng giờ đây cũng rất thật trong vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022 này.
Bởi chưa bao giờ vụ Đông Xuân lại nhiều trở ngại đến như vậy: dịch bệnh, giá phân bón leo thang, xâm nhập mặn dự báo cao hơn trung bình nhiều năm, trong khi giá lúa vẫn còn là ẩn số…
Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2021- 2022, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu hecta, sản lượng 11,024 triệu tấn, tăng 35.200 tấn so với cùng kỳ.
Còn theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021- 2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo trong tháng 11 và tháng 12/2021, ranh mặn 4‰ xâm nhập ở mức từ 20- 30km; sang tháng 1 và tháng 2/2022, ranh mặn 4‰ vào sâu từ 50- 70km, cao hơn 7- 15km so với trung bình nhiều năm.
Tại các tỉnh ven biển, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang gieo sạ khoảng 920.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng. Trong đó, diện tích có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn ở những địa phương này, nếu tình hình khô hạn xảy ra như vụ Đông Xuân 2015- 2016 là khoảng 55.000ha, chiếm 6% diện tích.
Lo lắng nhất của nông dân hiện nay là giá phân bón tăng, kéo theo chi phí đầu vào tăng. Theo nhiều nông dân, so với cách đây hơn 1 tháng, hiện giá nhiều loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali… tiếp tục tăng thêm 50.000- 100.000 đồng/bao (50kg), cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá đạm (Urê) Phú Mỹ và Cà Mau ở mức 750.000- 770.000 đồng/bao, cao hơn từ 300.000- 320.000 đồng/bao so với hồi đầu năm và cùng kỳ năm trước.
Các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất đã được Cục Trồng trọt và ngành nông nghiệp các tỉnh- thành tích cực khuyến cáo, hướng dẫn cho nông dân như: thay thế DAP bằng các phân đơn Urea, phân lân nung chảy hoặc Super lân, giảm lượng giống gieo sạ,…
Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ là “muối bỏ biển” nếu giá phân bón vẫn tăng phi mã như thời gian qua. Bởi trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa, thì với giá phân bón tăng liên tục, hiện tại chi phí cho phân bón có thể đã lên tới 40- 50%.
Dịch COVID- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên ở thời điểm này, không ai có thể dự báo về thị trường lúa gạo khi ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ. Vì vậy, hiệu quả kinh tế vẫn là bí ẩn phải chờ lúc “giở hộp ra coi”, còn trước mắt người nông dân đã “thua lỗ” với chi phí tăng cao đầu vụ.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin