Phục hồi thị trường lao động

06:11, 19/11/2021

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Quy định giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

(VLO) Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Quy định giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Việc bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh.

Đại dịch COVID-19 còn gây mất cân đối cung- cầu lao động cục bộ. Hiện nay, nhiều địa phương thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh, nhưng một số nơi khác lại đang gia tăng áp lực về giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động trở về địa phương tránh dịch bệnh.

Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát COVID-19…

Song song đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế- xã hội.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ trực tiếp người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung- cầu lao động; phát triển bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Các chuyên gia nhận định việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân. 

AN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh