Suy giảm nguồn nước sông Mekong

07:09, 11/09/2021

Lượng nước từ thượng nguồn sông về ĐBSCL giảm mạnh, tình trạng xâm nhập mặn tăng, ô nhiễm các kinh rạch,... đã tác động tiêu cực tới ĐBSCL. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.

Lượng nước từ thượng nguồn sông về ĐBSCL giảm mạnh, tình trạng xâm nhập mặn tăng, ô nhiễm các kinh rạch,... đã tác động tiêu cực tới ĐBSCL. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.

Trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) 15 trực tuyến diễn ra từ ngày 6- 8/9/2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đã chia sẻ báo cáo kết quả kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Kết quả KTNN cho thấy, số lượng nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL năm 2020 giảm 157 tỷ m3 so với năm 2011, lượng phù sa bùn cát năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017. Tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại đến khoảng 509.804ha cây trồng, 486.000 hộ thiếu nước sinh hoạt; 1.509.528ha đất bị suy thoái do giảm độ phì nhiêu.

Cùng với đó, đã gây ra 2.158 vụ sạt lở thiệt hại ước tính 1.078,9 tỷ đồng; trữ lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên sụt giảm 12.644 tấn ước tính 770 tỷ đồng; chất lượng nước tại nhiều con sông, kinh, rạch đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến 84.672 ca bệnh theo thống kê của ngành y tế trong giai đoạn 2016- 2020.

Nhiều địa phương phản ánh sự suy giảm về số loài và cá thể nhiều loại sinh vật, thủy sản đặc trưng của sông Mekong. Hàng trăm ngàn lao động phải rời khỏi địa phương để tìm kiếm việc làm tại các thành phố, đô thị lớn.

Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong đã và đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân trong lưu vực.

Tham gia cuộc kiểm toán có 3/6 quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, gồm KTNN Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã nêu một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Hiệp định Mekong 1995 và mong muốn các quốc gia trong lưu vực tăng cường hiệu quả hợp tác trong tương lai. Ngoài ra, thúc đẩy Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) thực hiện chuyển giao các hệ thống quan trắc, nhằm đảm bảo cơ sở dữ liệu cho quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực sông Mekong. 

LÝ AN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh