Đảm bảo lương thực, thực phẩm

08:07, 15/07/2021

Ảnh hưởng dịch COVID- 19, không chỉ ở những thành phố lớn, mà ngay những vùng nông thôn vẫn đối mặt tình trạng giá thực phẩm tăng cao hàng chục lần so trước đây.

Ảnh hưởng dịch COVID- 19, không chỉ ở những thành phố lớn, mà ngay những vùng nông thôn vẫn đối mặt tình trạng giá thực phẩm tăng cao hàng chục lần so trước đây.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 để phòng chống dịch COVID-19, nhiều người dân tại đây lo ngại thiếu thực phẩm nên dẫn đến tình trạng đi mua gom thực phẩm tích trữ tăng đột biến. Cụ thể, giá rau muống ngày thường 10.000 đ/bó, nay tăng lên 20.000đ, cải ngọt trước chỉ 30.000 đ/kg nay tăng lên 50.000 đ/kg,...

Tương tự, tại nhiều tỉnh- thành ở ĐBSCL, ngay khi một số tỉnh có thông tin sẽ tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn, giá cả các mặt hàng thực phẩm khu vực này đã tăng vọt lên gấp rưỡi, gấp đôi, có mặt hàng tăng giá đến 4 - 5 lần so với ngày thường.

Tuy giá tăng rất cao so với bình thường nhưng hầu hết những người đi chợ đều không quan tâm mà chỉ muốn mua thật nhiều loại thực phẩm thiết yếu để trữ và có thể dùng trong nhiều ngày. Cứ thế, việc mua bán cứ tấp nập và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhiều lô sạp đã không còn hàng hóa để bán. Các tiểu thương được dịp thu lãi lớn trong khi nông dân có nông sản thì không thể mang ra chợ tiêu thụ được vì thực hiện giãn cách xã hội.

Một tiểu thương xác nhận, việc giá bị đẩy lên cao là do các chợ đầu mối đóng cửa, quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển cao, kèm theo đó người dân tới mua đông nên dẫn tới tăng giá các mặt hàng.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều nơi đang vận động, tạo điều kiện hỗ trợ cho các thương lái, doanh nghiệp tăng cường thu mua, vận chuyển hàng hóa từ các nơi về cung cấp cho người dân khu vực thực hiện giãn cách xã hội, góp phần kéo giá hàng hóa về mức bình thường.

Và mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan đã ký văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh-thành vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương, bao gồm chủng loại, sản lượng đang thu hoạch, sẽ thu hoạch dự kiến theo từng tháng đến hết năm 2021. Đồng thời khẩn trương chỉ đạo phối hợp triển khai một số nội dung về việc đảm bảo lương thực, thực phẩm trong điều kiện dịch COVID-19.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh