Kể từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, chính thức không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và đến hết ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy chính thức không còn tồn tại. Đó cũng là lộ trình công dân dần chia tay sổ hộ khẩu giấy.
Kể từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, chính thức không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và đến hết ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy chính thức không còn tồn tại. Đó cũng là lộ trình công dân dần chia tay sổ hộ khẩu giấy.
Trong hơn nửa thế kỷ, loại giấy tờ này gắn liền với mọi người dân Việt Nam, trên các hoạt động, lĩnh vực đời sống.
Nhìn lại thời điểm năm 1955, để bảo đảm đời sống cho bộ đội, những người làm công ăn lương, học sinh trung cấp, sinh viên đại học... Nhà nước quy định tiêu chuẩn cung cấp gạo cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và bán với giá thống nhất 4 hào/kg… Đến tháng 7/1988, theo Nghị định 4 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu, việc lập sổ hộ khẩu được thực hiện như sau: ở thành phố, thị xã, thị trấn lập theo từng hộ, ở nông thôn lập theo xóm, ấp, bản. Cuối năm 1989, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu, hộ khẩu vẫn giữ nguyên song không còn giá trị như thời kỳ trước đó. Đến năm 2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Trước thời kỳ đổi mới, hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, sổ hộ khẩu đã gắn bó với công dân trong những thủ tục hành chính như: làm chứng minh nhân dân/căn cước công dân, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, sổ đỏ…
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, chúng ta đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội. Đã đến lúc cần phải thay đổi điều này, chuyển sang dùng nền tảng dữ liệu số để quản lý, phục vụ giao dịch người dân.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, trong đó mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với một số bộ, ngành. Hiện nay còn một số đơn vị chưa kết nối nên họ vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu, cần có thời gian chuyển tiếp từ nay đến cuối năm 2022 để có thể bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin