Xa mặt nhưng không cách lòng

06:06, 26/06/2021

Nhà bạn tôi ở "sát nách" các khu vực mà TP Hồ Chí Minh vừa phong tỏa 14 ngày để phòng chống dịch COVID-19 (từ 0h ngày 25/6). Từ trước đó, gia đình bạn và cả khu phố ai nấy đều tự giãn cách trong nhà, có việc cần thiết lắm mới đi ra ngoài vì ý thức "mình là một phần của cuộc chiến chống dịch như chống giặc này".

(VLO) Nhà bạn tôi ở “sát nách” các khu vực mà TP Hồ Chí Minh vừa phong tỏa 14 ngày để phòng chống dịch COVID-19 (từ 0h ngày 25/6). Từ trước đó, gia đình bạn và cả khu phố ai nấy đều tự giãn cách trong nhà, có việc cần thiết lắm mới đi ra ngoài vì ý thức “mình là một phần của cuộc chiến chống dịch như chống giặc này”.

Có người đang ở khu vực phong tỏa, vợ chồng con cái xoay xở trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, đầy bất tiện. Ngày bình thường, sáng ra người đi học, đi làm, chỉ buổi tối quây quần trong “cái hộp” chừng chục mét vuông.

Thường thì mùa hè anh chị gửi mấy nhỏ về quê thăm ông bà, vui chơi… Nhưng từ đầu đợt dịch mới bùng phát, những điều bình thường ấy đã không diễn ra.

Những cuộc chơi hè, giỗ quải, đám tiệc “phải về quê” đều đã dừng lại hết. Nhưng trong giai đoạn buộc phải giãn cách, những người ở quê lên thành phố lập nghiệp mới cảm nhận được nhiều tình người, mối liên kết tình thân càng khăng khít.

Qua messenger chat, chị chia sẻ block chị ở (trong chung cư Ehome 3) đã 12 ngày bị phong tỏa. Người hảo tâm trong và ngoài chung cư lá rách đùm lá nát lo cho nhau.

Các block đều có group chat lập quỹ thực phẩm, hỗ trợ thông tin đặt hàng, nhiều người xung phong vận chuyển nhu yếu phẩm từ chốt chặn (gửi đồ) đến tận sảnh, cho dân cư. Và không chỉ của cải thôi đâu...

Từ “ATM gạo” đợt dịch trước, đến “tủ lạnh cộng đồng” xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh mới đây cung cấp miễn phí rau củ, trứng… cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Với thông điệp “Người cần thì lấy, người có dư mang thực phẩm bỏ vào”, cùng rất nhiều chia sẻ thiết thực từ cộng đồng đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Tạm thời “xa mặt” về mặt địa lý, nhưng những người thân không “cách lòng”. Thời gian này không còn thuận tiện “gửi đồ ăn lên Sài Gòn”, nhưng người nhà ở quê vẫn chat Zalo hầu như mọi lúc mọi nơi cho người ở thành phố: hôm nay đổ bánh xèo, vườn đang thu hoạch xoài hay giàn mướp mới ra hoa…

Không chỉ để cho nhau đỡ buồn, bớt nhớ quê, mà còn chia sẻ tâm tình, khích lệ nhau tuân thủ các quy định giãn cách, phòng dịch tốt hơn nữa để đường về nhà sẽ sớm thông thương trở lại. Nhưng dù sao chuyện sức khỏe lúc này vẫn là quan trọng nhất. Nếu Sài Gòn chưa an toàn thì chuyện giãn cách cứ tiếp tục thôi.

AN HƯƠNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh