Vẫn phải là vắc xin và "5K"

08:06, 15/06/2021

Những ngày qua, thông tin về những trường hợp dương tính với SARS-CoV- 2 của nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin khiến dư luận lo lắng. Theo đó, nhiều luồng ý kiến thắc mắc, tại sao khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh; hiệu lực của việc tiêm vắc xin phòng COVID- 19 như thế nào…

Những ngày qua, thông tin về những trường hợp dương tính với SARS-CoV- 2 của nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin khiến dư luận lo lắng. Theo đó, nhiều luồng ý kiến thắc mắc, tại sao khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh; hiệu lực của việc tiêm vắc xin phòng COVID- 19 như thế nào…

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền- Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm- lý giải: Bất kỳ loại vắc xin nào, kể cả vắc xin phòng COVID- 19 (cụ thể trong trường hợp này là vắc xin của Astra Zeneca) đều không thể bảo vệ 100% người tiêm.

Trong một công bố trên tạp chí y khoa The Lancet (Mỹ), vắc xin Astra Zeneca có một độ an toàn chấp nhận được và có hiệu quả làm giảm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng, không có trường hợp nào phải nhập viện hay trầm trọng trong nhóm tiêm chủng (giúp giảm tử vong và bệnh nặng). Kết quả này tương ứng với thông tin, hầu hết nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hầu như không có triệu chứng bệnh.

Theo GS. Trần Tịnh Hiền, thực tế đã chứng minh ở Mỹ, Anh cũng như ở nhiều quốc gia khác, việc tiêm vắc xin phòng COVID- 19 là con đường duy nhất để thoát khỏi đại dịch COVID-19 và cách tốt nhất là tiêm càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.

Khi tiêm vắc xin phòng COVID- 19 thì người nhiễm SARS-CoV-2 không bị trở nặng hay tử vong. Mức độ bảo vệ của vắc xin Astra Zeneca ở mức từ 60- 95%. Ông khẳng định, ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin nếu có xảy ra những trường hợp xác định dương tính ở mức độ 5-10% thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng.

Còn theo TS. Lê Quốc Hùng- Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh nếu mắc sẽ tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Thống kê của Hãng Astra Zeneca cho thấy, vắc xin có hiệu quả miễn dịch tốt nhất sau khoảng 4- 6 tuần kể từ khi tiêm mũi 2, nếu trong 4 tuần đầu tiên, có tiếp xúc với F0 thì nguy cơ cũng cao. Ngay cả người từng mắc COVID-19, nghĩa là có kháng thể, vẫn có khả năng tái nhiễm. Do vậy, nếu có khoảng 70- 80% người trong cộng đồng được tiêm vắc xin thì khả năng bảo vệ của vắc xin cao hơn nhiều so với một cộng đồng chưa có nhiều người được tiêm vắc xin.

Từ những đánh giá trên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, việc chỉ tiêm vắc xin thôi thì chưa đủ mà cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp “5K” mới giúp việc phòng dịch COVID- 19 đạt hiệu quả cao nhất.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh