Trút "gánh nặng" văn bằng, chứng chỉ

05:06, 04/06/2021

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Văn bản số 2499/BNV-CCVC về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức (CC-VC), dư luận xã hội quan tâm và rất đồng tình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Văn bản số 2499/BNV-CCVC về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức (CC-VC), dư luận xã hội quan tâm và rất đồng tình.

Trong báo cáo, Bộ Nội vụ cho rằng công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ với CC-VC còn một số tồn tại. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.

Vì vậy, trong kiến nghị, đề xuất của Bộ Nội vụ lên Thủ tướng, có 2 điểm đáng chú ý. Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch CC và 155 chức danh nghề nghiệp VC.

Bên cạnh, đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch CC và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp VC.

Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch CC-VC theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng, để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Có thể nói, bằng cấp là thước đo năng lực cụ thể nhất của lao động, nếu bằng cấp song hành với chuyên môn, năng lực của cán bộ.

Nhưng thực tế, với việc chuẩn hóa cán bộ như hiện nay, nhiều người đã và đang “chạy đua”, thậm chí đến tuổi về hưu vẫn phải tham gia các khóa học để lấy đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ… Tuy nhiên, chất lượng của các chứng chỉ đôi khi chỉ để “cho có” và cũng không phục vụ yêu cầu công việc…

Đề xuất của Bộ Nội vụ rất phù hợp thực tiễn, sẽ giúp nhiều CC-VC trút được “gánh nặng” chứng chỉ, văn bằng không cần thiết. Bởi trong công việc quan trọng nhất vẫn là năng lực thực chất của mỗi người ở mỗi ngành nghề.

Nói như vậy không có nghĩa các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… đều ít có giá trị. Thực tế, “học, học nữa, học mãi” vẫn là yêu cầu của cuộc sống, của công việc, nên việc học để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn để không “bị bỏ lại phía sau” là hết sức cần thiết.

Và để quy chuẩn cán bộ, ngay từ đầu vào xét tuyển cũng cần phải có những tiêu chí cụ thể để tuyển chọn được những người bằng cấp đi đôi với năng lực, thực sự làm được việc, trả lương theo vị trí việc làm để tránh tình trạng “trọng bằng cấp” như hiện nay.

Việc đánh giá chuẩn cán bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục qua công việc chứ không chỉ bằng bộ tiêu chuẩn về bằng cấp.

AN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh