Hôm qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã đến các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID- 19. Điều này tôi cho là hết sức cần thiết, trong bối cảnh KCN là nơi tập trung đông người, ngoài yếu tố "chưa có kinh nghiệm" thì thực tế cũng không ít doanh nghiệp lơ là công tác phòng chống dịch.
Hôm qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã đến các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID- 19. Điều này tôi cho là hết sức cần thiết, trong bối cảnh KCN là nơi tập trung đông người, ngoài yếu tố “chưa có kinh nghiệm” thì thực tế cũng không ít doanh nghiệp lơ là công tác phòng chống dịch.
Anh bạn tôi đang làm bảo vệ cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Gặp nhau hôm cuối tuần rồi, anh kể hàng loạt công việc hàng ngày của mình: “Ban giám đốc yêu cầu phải đo thân nhiệt ở cổng cho từng công nhân khi đến công ty làm việc, đồng thời thực hiện khai báo y tế, rửa tay rồi đi qua buồng khử khuẩn để phun hóa chất mới mang đồ bảo hộ vào xưởng... Ngày 3 ca, bảo vệ thay phiên làm việc cả ngày mà không hết việc”. Anh chỉ lên khuôn mặt hằn những vết khẩu trang, bởi cả ngày không được tháo xuống trừ những lúc ăn, uống. Dù vậy, anh nói đầy lo ngại: “Không biết giữ được đến khi nào, bởi công nhân đông quá, ra khỏi công ty họ đi đâu không biết được!”
Đó là một trong những lý do mà vừa qua dịch bệnh đã “tấn công” vào một số doanh nghiệp quy mô lớn ở một số địa phương. Qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy, doanh nghiệp cuối tháng 5 vừa qua, đoàn công tác Bộ Y tế ghi nhận có một số nhà máy, doanh nghiệp còn hạn chế trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch tại KCN và của từng nhà máy. Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng chống dịch còn hạn chế…
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc đảm bảo an toàn COVID- 19 trong các KCN, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng, đặc biệt là các KCN có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Công điện yêu cầu thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để tiến hành tổng hợp các cách thức ứng phó dịch COVID- 19 tại các KCN, xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống dịch.
Với bản thân các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng, sức khỏe của người lao động là tài sản của công ty nên không thể trông chờ nguồn lực từ cơ quan nhà nước mà phải chủ động với phương án linh hoạt, kịp thời; thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, gãy chuỗi sản xuất.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin