Nhiều phương án rất linh hoạt trong tiêu thụ nông sản thời gian vừa qua, nên dù tình hình dịch bệnh rất căng thẳng nhưng tại nhiều nơi vẫn… "thuận buồm xuôi gió".
Nhiều phương án rất linh hoạt trong tiêu thụ nông sản thời gian vừa qua, nên dù tình hình dịch bệnh rất căng thẳng nhưng tại nhiều nơi vẫn… “thuận buồm xuôi gió”.
Nếu so đợt dịch lần thứ 1, khi hầu hết nông sản đều chịu cảnh “dội chợ” kêu gọi giải cứu khắp nơi, thì dịch bệnh lần thứ 4 này việc tiêu thụ có phần thuận lợi, bởi “đã có kinh nghiệm” và chủ động trong cách làm. Như tại “thủ phủ” vải thiều Bắc Giang, Hải Dương chính quyền địa phương vừa “chấn chỉnh” việc dùng từ “giải cứu” cho vải thiều, bởi thực tế mặt hàng này đang tiêu thụ khá ổn định. Ngoài tìm được kênh tiêu thụ mới, nơi đây còn linh hoạt khi “lần đầu tiên đưa quả vải thiều bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Alibaba, Voso, Sendo và Lazada”. Thực hiện chương trình “Kết nối nông sản- San sẻ yêu thương- Chung tay vượt qua đại dịch”, vải thiều được hỗ trợ tiêu thụ thông qua hình thức livestream với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Trong khi đó, để đảm bảo tối ưu phương án vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu, ngày 7/6, Bộ Nông nghiệp- PTNT có văn bản đề nghị cấp hộ chiếu vắc xin cho lái xe chở hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước đây tài xế sau khi chở nông sản qua lại cửa khẩu phải thực hiện cách ly tốn kém thời gian và tiền bạc, song năm nay kiến nghị cho tiêm vắc xin đủ theo quy định y tế, test nhanh để đảm bảo an toàn vận chuyển. Song song đó, các địa phương ở biên giới phía Bắc đã có sáng kiến thành lập mô hình đội lái xe chuyên trách. Như tại tỉnh Lạng Sơn- nơi có cửa khẩu Tân Thanh giáp biên giới Trung Quốc, tỉnh này có gần 800 xe chuyên trách được quản lý sinh hoạt tập trung tại khu vực gần cửa khẩu; được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR thường xuyên.
Về thị trường nội địa, Bộ Nông nghiệp- PTNT cho biết sẽ làm việc với các tập đoàn bán lẻ trong nước bàn về việc thành lập Hiệp hội Tiếp thị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, tiến tới sẽ thiết lập một hệ thống thông tin, dữ liệu từ quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… và cung cấp thường xuyên cho các hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối lớn.
Những cách làm sáng kiến, linh hoạt của nhiều bộ ngành, địa phương phần nào giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho nông sản năm nay. Nhưng qua đó, tạo ra chuỗi cung ứng mới, mô hình cung cầu chính quy sẽ là tiền đề tốt hướng tới mô hình phát triển tiêu thụ nông sản chủ động, bền vững tương lai.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin