
Tiêu thụ nông sản nhiều năm qua vốn bấp bênh, vụ được giá, vụ mất giá. Nay dịch COVID-19 bùng phát khiến mùa thu hoạch nông sản năm nay của nông dân thua nặng hơn.
(VLO) Tiêu thụ nông sản nhiều năm qua vốn bấp bênh, vụ được giá, vụ mất giá. Nay dịch COVID-19 bùng phát khiến mùa thu hoạch nông sản năm nay của nông dân thua nặng hơn.
Nhiều nông dân trồng khoai lang ở Bình Tân đang khốn đốn vì nông sản này rớt giá mạnh. Trước đây 1 tạ khoai (60kg) bán được từ 500.000- 700.000đ, nay giảm xuống chỉ còn 30.000- 40.000đ.
Với mỗi công khoai lang, nông dân lỗ hàng chục triệu đồng. Còn người nào thuê đất trồng thì lỗ nặng hơn. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay, nhiều hộ nông dân trồng khoai đã lâm cảnh nợ nần sau vụ này.
Trong cơn hoạn nạn được mùa mà không có vùng tiêu thụ, khoai lang Bình Tân đã được người dân trong và tỉnh “giải cứu” một cách đầy nhiệt thành. Song, nếu nhìn xa hơn, chuyện “giải cứu” là không mới, nếu không muốn nói là gần như năm nào cũng có một vài nông sản rơi tình cảnh này. Vì vậy, phương án “giải cứu” cần giải pháp mang tầm chiến lược.
Trả lời phỏng vấn trên một số phương tiện truyền thông gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho rằng “nên bỏ những từ “giải cứu”, nghe thương cảm, thương xót và chúng ta cần hành động cụ thể hơn”.
Đó là, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có kế hoạch dài hạn, xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch chính quy hơn, vừa tiêu thụ, vừa đảm bảo chất lượng nông sản, vừa an toàn trong dịch COVID-19.
Mục tiêu mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra là “không phải để lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây rồi mới kêu giải cứu mà trước khi thu hoạch các địa phương phải chủ động thông tin về Bộ Nông nghiệp- PTNT để bộ thông tin đến các kênh phân phối”.
Mỗi địa phương cần phải xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất, sản lượng nhiều mà phải kết nối được tư duy kinh tế với tư duy thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới có thể biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu là đủ.
Có thể thấy, COVID-19 không còn là sự bất ngờ như thiên tai, lũ lụt, nên tư duy giải cứu nông sản cần sớm loại bỏ, thay vào đó là tư duy mới. Đó là tư duy về phương án xử lý, thông thương nông sản trong giai đoạn dịch như thế nào để phù hợp với các quy trình, quy định là hết sức cần thiết hiện nay.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin