Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tiêm vắc xin để chủ động phòng dịch COVID-19 là nguyện vọng của mọi người dân, nhất là những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm và dễ gặp rủi ro khi mắc COVID-19.
(VLO) Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tiêm vắc xin để chủ động phòng dịch COVID-19 là nguyện vọng của mọi người dân, nhất là những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm và dễ gặp rủi ro khi mắc COVID-19.
Tính đến cuối ngày 21/6/2021, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng tiêm trên 2,42 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 121.683 người.
Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vắc xin đã được cung ứng. So với nhu cầu tiêm ngừa, con số này dù đang tăng nhanh trong một số ngày gần đây nhưng vẫn còn rất nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây đã cho biết mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc lần này là đến cuối năm 2021 tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam, để cuối 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng.
Như vậy trong những ngày tới đây, số lượng người được tiêm chủng sẽ rất lớn để đảm bảo tiến độ và mục tiêu kể trên.
Theo định hướng của Bộ Y tế, việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải thực hiện theo nguyên tắc tiêm đến đâu đảm bảo an toàn đến đó. Các trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian qua được xử trí nhanh chóng, kịp thời và hầu hết hồi phục không để lại di chứng.
Dù vậy, không ít người được tiêm tỏ ra lo lắng, không ít trường hợp được nằm trong đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin lại thẳng thừng từ chối cơ hội được tiêm vì những lý do không đáng có trong tình hình này.
Với tinh thần trách nhiệm, những y- bác sĩ tuyến đầu đang gồng mình chống dịch không ngại hiểm nguy; chúng ta ở tuyến kế cận được ưu tiên tiêm vắc xin sao lại né tránh?
Đã qua, có những người sẵn sàng xung phong tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Những người tránh rủi ro vì xác suất rất nhỏ, rất nhỏ cho bản thân, nhưng nếu không tiêm là có thể ảnh hưởng đến người thân, cộng đồng nếu mình bị lây nhiễm, lúc đó là sự ân hận lớn...
Không có vắc xin phòng COVID-19 nào có hiệu quả phòng bệnh 100%, cũng như không có vắc xin nào an toàn tuyệt đối. Tuy vậy, người dân không nên có tâm lý chờ đợi lựa chọn vắc xin để bỏ đi cơ hội được tiêm chủng sớm của mình.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin