Lễ mở vườn thu hái vải xuất khẩu và xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản, Singapore với tổng sản lượng khoảng 100 tấn, được tổ chức hôm 18/5 tại huyện Thanh Hà (Hải Dương).
Lễ mở vườn thu hái vải xuất khẩu và xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản, Singapore với tổng sản lượng khoảng 100 tấn, được tổ chức hôm 18/5 tại huyện Thanh Hà (Hải Dương).
Vải thiều là một trong những ví dụ thành công của việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để gỡ khó cho tiêu thụ trong thời điểm dịch COVID-19, được kỳ vọng mở thêm nhiều thị trường mới cho nông sản. TMĐT cũng là giải pháp được Bộ Công thương thực hiện từ quý III/2020 nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Tại Bến Tre, chương trình “Ngày hội xứ dừa” tổ chức cuối tháng 4 vừa qua đã bán được hàng ngàn đơn hàng nông sản qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”. Tương tự nhiều sản phẩm của “Ngày đặc sản Sơn La” cũng được bán ra qua kênh TMĐT. Trước đó, gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã bán trên sàn TMĐT Voso, “Gian hàng Việt trực tuyến” và ước đến cuối tháng 5 có thể bán được tới 150 tấn.
Việt Nam có nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch… Từ kinh nghiệm năm 2020, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đề xuất các địa phương, nhất là các vùng nguyên liệu lớn sắp và đang thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.
Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản quý I/2021 đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng này nhờ vào nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh tập trung vào số ít thị trường truyền thống. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế của các bộ, ngành cũng đã thúc đẩy xuất khẩu.
Có thể nói, qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất nông sản… đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, vừa đảm bảo phòng, tránh dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương cũng là bài học kinh nghiệm, nhằm hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
AN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin