Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, những tuyến đường về miền Tây kẹt cứng nhiều giờ đồng hồ. Từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long chưa đầy 140km mất hơn 10 tiếng đồng hồ.
(VLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, những tuyến đường về miền Tây kẹt cứng nhiều giờ đồng hồ. Từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long chưa đầy 140km mất hơn 10 tiếng đồng hồ.
Gia đình anh Tân- chị Ngọc cùng 2 con đi ô tô xuất phát từ TP Hồ Chí Minh lúc 8h ngày 30/4, nhưng không thể bon bon về nhà vì đường cao tốc và QL1A đều kẹt cứng.
“Đường về miền Tây qua đoạn Long An, Tiền Giang kẹt xe hàng giờ, trời nóng bức khó chịu. Thật là khủng khiếp”- anh Tân cho biết đến gần 20h mới về đến nhà ở Long Hồ (Vĩnh Long).
Trên các trang mạng xã hội, những ngày nghỉ lễ cũng tràn ngập hình ảnh xe cộ nối dài, nhích từng chút một, kèm những dòng trạng thái cám cảnh, như là: “xuất phát lúc 5h15 sáng tại TP Hồ Chí Minh về hướng Cần Thơ, giờ này 13h53 vẫn còn kẹt ở đường tránh Cai Lậy, Tiền Giang không biết tới bao giờ”.
“Tui đang đi trên QL1, đi ô tô con mà 5 tiếng đồng hồ chỉ mới đi được quãng đường 60km, kẹt xe ùn tắc quá kinh hoàng”. Nhiều người “né” QL1 nên đi ngã Bến Tre theo QL60, nhưng tình hình vẫn không mấy thông thoáng, nhất là khu vực cầu Rạch Miễu cũng… kẹt thấy sợ luôn! Từ TP Hồ Chí Minh, xe “cà nhích” hơn 7 tiếng đồng hồ mới tới Bến Tre.
Hàng vạn người dân đi chơi lễ đã thấm thía cảnh kẹt xe, càng chia sẻ những vất vả mà giới tài xế chở khách, hàng hóa giữa các tỉnh- thành phải chịu đựng nhiều năm qua.
Thật khó hình dung vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 45% GDP và 42% tổng thu ngân sách cả nước lại có hệ thống hạ tầng “đi ô tô mà nhích từng chút” như thế này.
Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống giao thông vận tải của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Giao thông được mệnh danh là mạch máu, đi trước mở đường cho nền kinh tế. Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế- xã hội sẽ phát triển theo.
Chính vì thế, những dự án giao thông lớn đã, đang và dự kiến triển khai ở ĐBSCL mang đến nhiều niềm vui cho người dân. Dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ kết nối giao thông từ TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 2… được kỳ vọng mở đường phát triển nền kinh tế.
Hơn nữa, còn chia bớt áp lực cho QL1 vẫn được xem là con đường độc đạo nối TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây với nỗi ám ảnh kẹt xe mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết.
Bon bon về miền Tây vẫn còn là mong ước lớn của người dân đồng bằng.
AN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin