Phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm là sự lựa chọn của nhiều quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để DN Việt Nam tiến nhanh, tiến bền vững, vì lợi ích cộng đồng vẫn cần sự định hướng của Chính phủ, môi trường kinh doanh bình đẳng và tính nhất quán trong chính sách...
Phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm là sự lựa chọn của nhiều quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để DN Việt Nam tiến nhanh, tiến bền vững, vì lợi ích cộng đồng vẫn cần sự định hướng của Chính phủ, môi trường kinh doanh bình đẳng và tính nhất quán trong chính sách...
Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn DN phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức vào sáng 11/12.
Năm 2018 là năm thành công của kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại tăng trưởng nhanh với tốc độ GDP đạt mức 7%, cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng DN tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131.000 DN thành lập với số vốn trên 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế, thương mại thế giới tăng trưởng chậm, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước đối diện với nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Để vượt qua được những thách thức đó, theo các chuyên gia, các DN Việt Nam cần phải nâng sức cạnh tranh. Và một trong những yếu tố quan trọng là phải đổi mới toàn diện, phát triển bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng. DN phải hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận song hành cùng việc đảm bảo đóng góp giá trị với xã hội.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên quan trọng nhưng Việt Nam cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, không còn lựa chọn đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, mà thay vào đó, DN buộc phải vận hành theo hướng nâng sức cạnh tranh, phát triển bền vững.
Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Anh Dương cho rằng, kinh doanh theo kiểu truyền thống sẽ dần trở nên lạc hậu. Thay vào đó, là kinh tế nền tảng, kinh tế tuần hoàn, là những ý tưởng đổi mới sáng tạo của DN gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Không thể đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Bởi chỉ khi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, DN mới có thể tồn tại được trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin