Có bao giờ bạn nghĩ một ngày nào đó, người ta trở nên thờ ơ với những dòng sông chằng chịt nổi tiếng thế giới ở vùng đất Chín Rồng này. Thờ ơ với nơi mà từng gắn với ký ức một thời cùng lũ bạn bơi xuồng vớt bèo, vớt củi và tắm mát trưa hè.
Có bao giờ bạn nghĩ một ngày nào đó, người ta trở nên thờ ơ với những dòng sông chằng chịt nổi tiếng thế giới ở vùng đất Chín Rồng này. Thờ ơ với nơi mà từng gắn với ký ức một thời cùng lũ bạn bơi xuồng vớt bèo, vớt củi và tắm mát trưa hè.
Chuyện gì đang xảy ra? Đơn giản khi sông bắt đầu ô nhiễm, khi nước sạch nông thôn còn nhiều vấn đề về chất lượng, người dân lâm tình cảnh “khát” nước sạch giữa bốn bề sông nước.
Vốn là cách đây vài tuần, chú Năm Can chở mấy đứa cháu từ TP Hồ Chí Minh về quê miền Tây thăm nội. Tới nơi chào hỏi ông bà xong là tụi nhỏ hè nhau nhảy ùm xuống sông, thi nhau vùng vẫy. Quá thích thú nên tụi nó mạnh miệng so sánh “tắm sông ở quê nội sướng hơn tắm hồ bơi ở Sài Gòn”.
Nhưng rồi chuyện gì tới cũng tới, ăn cơm chiều xong tụi nhỏ kêu ngứa khắp mình mẩy, gia đình một phen lo sốt vó.
Trà dư tửu hậu chiều hôm đó, nghe mấy bác nông dân cố cựu kể chuyện sinh hoạt, sản xuất quê mình chú Năm mới gật gù hiểu rằng, nước sông giờ ô nhiễm chứ không như ngày xưa. Ngày xưa khi dòng sông đã gắn bó với không ít người suốt thời thơ ấu.
Bây giờ đã khác, những chuyến về quê chưa bao giờ trọn vẹn, có lẽ vì thiếu những giây phút được bơi lội. Nước sông đã quá bẩn. Thậm chí không ít con sông đã “qua đời” (từ của Trịnh Công Sơn). Còn với tôi, nó chết thật cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đó là biết bao phân thuốc bảo vệ thực vật từ ruộng vườn tuồn trực tiếp ra sông; biết bao rác thải mà con người vô tư quăng xuống không chút thương tiếc.
Chưa kể đến chất thải từ nguồn thức ăn, thuốc kháng sinh các loại dư thừa ở các ao nuôi tôm, nuôi cá dày đặc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ thải ra môi trường, mà chưa có chế tài nào phù hợp và đích đáng.
Đã qua rồi những ngày xưa khi thiên nhiên còn đủ sức tự chuyển hóa ô nhiễm do con người thải ra. Còn bây giờ đã đạt đến giới hạn và ô nhiễm cũng chính là sự phản đối không lời của thiên nhiên trước hành động xâm hại của chính con người.
Miền Tây trong tương lai vẫn ở đó, nhưng dòng sông sẽ về đâu là một nỗi trăn trở. Bảo vệ dòng sông là bảo vệ giống nòi rất cấp thiết, để không hối tiếc về giấc mơ “úp mặt vào sông quê” mãi chỉ còn trong câu hát!
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin