Bao nhiêu năm nữa ĐBSCL sẽ chìm?

06:11, 09/11/2019

Trong các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu đến ĐBSCL, các nhà khoa học đều cho rằng trăm năm nữa vùng đất phù sa phì nhiêu này sẽ bị nước biển nhấn chìm. Chuyện ngỡ "còn khuya mới tới", nhưng hiện tại đã có những biểu hiện ngày càng rõ nét hơn.

Trong các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu đến ĐBSCL, các nhà khoa học đều cho rằng trăm năm nữa vùng đất phù sa phì nhiêu này sẽ bị nước biển nhấn chìm. Chuyện ngỡ “còn khuya mới tới”, nhưng hiện tại đã có những biểu hiện ngày càng rõ nét hơn.

Không đợi đến trăm năm nữa, các nhà khoa học Hà Lan phát hiện rằng nguy cơ 12 triệu dân vùng ĐBSCL sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của ĐBSCL vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8 bởi nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud.

Sau quá trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mekong- tức ĐBSCL- thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại 2,6m).

Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (ước tính 12 triệu người).

Tuy vẫn còn một số tranh luận trong giới nghiên cứu về thời gian 50 năm, 70 năm hay 100 năm tới thì ĐBSCL sẽ bị chìm.

Nhưng, “nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, vùng ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm trong tương lai không xa”- ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia sinh thái và biến đổi khí hậu từng cảnh báo như vậy. Sụt lún cùng với nước biển dâng đang gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với vùng ĐBSCL.

Cộng với những yếu tố tác động từ con người khiến nguồn nước sông rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng “không còn tắm được, nói gì để dùng trong nấu ăn và uống”; khắp nơi khai thác nước ngầm để sử dụng trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất công nghiệp.

Các đô thị như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang… đều phải lội bì bõm mỗi khi triều cường. Trước đây, do thiếu thông tin về sụt lún, người ta đổ hết trách nhiệm cho nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Mà nguyên nhân chính- theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện- là do khai thác nước ngầm và không thể giải quyết bằng biện pháp công trình.

Dẫn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ người Anh Samuel Taylor Coleridge: “Water, water everywhere, not a drop to drink”; nghĩa là nước, nước khắp nơi, nhưng không một giọt để uống.

Không phải nhà thơ này nói về ĐBSCL, nhưng tôi thấy nó đang đúng với chúng ta”- ThS. Nguyễn Hữu Thiện bình luận, khi đề cập những nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và sẽ đến trong tương lai không xa.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh