Mấy hôm nay chắc Ông Trăng già vui lắm. Bởi cả chục quốc gia Châu Á đang rộn ràng "thấy trăng quên đèn"- chuyện rất hiếm có giữa thế kỷ điện sáng lung linh.
Mấy hôm nay chắc Ông Trăng già vui lắm. Bởi cả chục quốc gia Châu Á đang rộn ràng “thấy trăng quên đèn”- chuyện rất hiếm có giữa thế kỷ điện sáng lung linh.
Ở Việt Nam, Trung thu được xem là tết của thiếu nhi với những chiếc lồng đèn tươi vui cùng bánh trung thu vuông tròn tượng trưng cho sự đoàn viên, sung túc giữa mùa trăng. Ở nhiều quốc gia khác hoặc như Nhật Bản- lễ “otsukimi” cũng có nghĩa là ngắm trăng, bởi đây là lúc trăng thu tròn đẹp nhất.
Năm nay còn là dịp kỷ niệm 50 năm ngày con người “đến thăm” Mặt trăng. Với bước chân đầu tiên đặt lên Mặt trăng ngày 20/7/1969, phi hành gia Neil Amstrong đã khẳng định “bước đi nhỏ của một con người nhưng là bước tiến vĩ đại của cả loài người”.
Mặt trăng đã trở nên gần gũi với con người, hơn là chỉ qua những câu chuyện cổ tích, với khoảng cách 384.000km.
Nhưng “Mặt trăng thường làm ra vẻ bí mật với chúng ta. Nó giấu chúng ta một nửa bề mặt bằng cách luôn quay một mặt về phía những người trên Trái đất.
Từ Trái đất, chúng ta vĩnh viễn sẽ chỉ nhìn thấy một nửa của nó. Tuy nhiên, Mặt trăng không đứng im, nó quay quanh mình nó trong chuyến chu du mỗi vòng mất gần một tháng quanh Trái đất. Vậy thì nó đã chơi trò ảo thuật này bằng cách nào mà chỉ cho chúng ta nhìn thấy một nửa của nó?
Câu trả lời ở đây là nó đồng bộ chuyển động quay của mình với chuyển động trên quỹ đạo của nó xung quanh Trái đất: nó đã mất chính xác cùng một thời gian (29,5 ngày) để hoàn thành hai chuyển động đó”- đó là phần giới thiệu về Mặt trăng của nhà khoa học người Mỹ gốc Việt- Trịnh Xuân Thuận trong cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao.
Bạn càng có thể tự hào về Mặt trăng bởi nó chính là con đẻ của Trái đất, sau “cú va chạm khủng khiếp của một tiểu hành tinh điên rồ” với hành tinh của chúng ta mà làm bứt ra một phần.
Và nếu biết rằng Mặt trăng có những tác động lên Trái đất bởi các lực thủy triều, khiến nước biển lên và xuống, thì cũng cần biết rằng Mặt trăng đang ngày càng rời xa hành tinh chúng ta, ước khoảng 3,5 cm/năm.
Mặt trăng vừa là vệ tinh của Trái đất vừa là đối tượng nghiên cứu khoa học, lại là “nàng thơ” của các văn nghệ sĩ… Thế nhưng, có đôi lúc vì e đường đời vấp ngã mà ta chỉ lo nhìn xuống chân mình… Vậy thì, vào dịp trăng thu đẹp nhất, hãy ngước mắt nhìn trăng, để thêm yêu và trân trọng thiên nhiên.
----
Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao- Trịnh Xuân Thuận (Phạm Văn Thiều- Ngô Vũ dịch)- NXB Tri thức
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin